Lượt xem: 626

Thị xã Ngã Năm: Tăng giá trị sản xuất nhờ thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Theo Ủy ban nhân dân thị xã Ngã Năm, sản xuất nông nghiệp ở địa phương trong 5 năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/ha, tăng 40 triệu đồng so với 5 năm trước. Có được kết quả này là nhờ địa phương thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

    Từ khi triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thị xã Ngã Năm xác định, tập trung đẩy mạnh xây dựng mô hình cánh đồng lớn, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất lúa với mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng, hướng tới tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất, dễ tiêu thụ... cho bà con nông dân. Theo đó, các loại giống lúa đặc sản, cao sản như ST, RVT hay dòng lúa thơm OM được đưa vào sản xuất đại trà. Kết quả là vụ lúa Đông Xuân vừa qua, toàn thị xã Ngã Năm có hơn 11.000 ha được sản xuất bởi giống ST24 và ST25 trong tổng số 18.000 ha diện tích sản xuất lúa của địa phương. Bên cạnh đó, tập trung sản xuất theo hướng sạch, an toàn, thân thiện môi trường, bước đầu đạt được hiệu quả.


Đồng chí Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy thăm mô hình vườn cây ăn trái mang hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Tuấn Phi

 

    Chia sẻ với chúng tôi về sản xuất vụ lúa Đông Xuân vừa rồi, ông Huỳnh Văn Thủ - Giám đốc Hợp tác xã Long Thành, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm cho biết: “Trong vụ  Đông Xuân vừa qua, Hợp tác xã sản xuất gần 110 ha, trong đó, chủ yếu là lúa đặc sản, với ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, nên chi phí sản xuất giảm hơn 10%, lúa bán với giá cao hơn so với thị trường từ 500 - 1000 đồng/kg.”

    Với lợi thế là địa phương sản xuất nông nghiệp, thị xã Ngã Năm còn quan tâm đẩy mạnh cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và trồng màu, trong đó, cây mãng cầu gai được xem là điểm sáng. Nhờ chịu được hạn, mặn, ngập úng nên rất phù hợp với vùng đất trũng phèn ở thị xã và cho hiệu quả kinh tế rất cao. Đến nay, diện tích trồng mãng cầu gai trên địa bàn ước gần 300 ha, tập trung nhiều ở xã Vĩnh Quới, Tân Long. Ngoài ra, cây khóm cũng bén rễ trên vùng đất phèn xã Vĩnh Quới, với diện tích 12 ha, tập trung tại ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới được doanh nghiệp bao tiêu  đầu ra với giá thành ổn định, trừ các khoản chi phí nông hộ thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm. Theo ngành chức năng cho biết, việc chuyển đổi từ vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả sang trồng khóm ở nơi đây khá hiệu quả, phù hợp thổ nhưỡng, dễ canh tác và được doanh nghiệp bao tiêu, dự kiến sẽ mở rộng diện tích trong thời gian tới.

    Anh Phan Ngọc Thanh - nông dân trồng khóm ở ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, chia sẻ: “Khóm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật, còn phù hợp với vùng đất phèn mà thu nhập thì cao hơn gấp 2, 3 lần so với sản xuất lúa, tính bình quân 1 công trồng khóm, trừ chi phí, một năm nông dân thu nhập trên 15 triệu đồng”.

    Để đảm bảo tình hình chăn nuôi hiệu quả, bền vững trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành chức năng thị xã đã tham mưu cho thị ủy, UBND thị xã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi. Đồng thời, khai thác thủy sản nước ngọt vẫn được xem là lợi thế của vùng trũng Ngã Năm. Nếu như đất trồng lúa ở thị xã Ngã Năm chỉ sản xuất 02 vụ lúa trong năm, thì nông dân còn có thêm thu nhập từ nguồn cá nước ngọt trong những tháng nước nổi hằng năm, với mô hình nuôi cá đăng quầng trên ruộng lúa, mô hình này tận dụng nguồn cá thiên nhiên và thả nuôi trên ruộng lúa một số loại như: Trê vàng, cá mè, cá sặc rằn,... ước thu nhập 1 vụ từ 10 triệu đồng/1ha trở lên.

    Ông Nguyễn Văn Mùng - nông dân Khóm 3, Phường 2, thị xã Ngã Năm chia sẻ: “Nuôi cá - lúa dần đã trở thành nghề của bà con nơi đây rồi, vụ nào cũng vậy, nguyên cánh đồng gần 100 ha ai cũng đều tự bao lưới để thả nuôi; bình quân 1 ha diện tích mặt nước, trong 3 tháng nông dân cũng thu nhập trên 10 triệu đồng”.

    Đánh giá kết quả đạt được, tại hội nghị tổng kết thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã Ngã Năm đánh giá cao quá trình thực hiện Đề án trong 5 năm qua và khẳng định, qua thực hiện đã giúp nông dân thị xã Ngã Năm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hơn 40 triệu đồng so với 5 năm trước; song song đó, nhiều mô hình đa dạng, phong phú và sản xuất theo hướng sạch, bền vững.


Đồng chí Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy thăm cơ sở sản xuất gạo sữa An Cư (sản phẩm OCOP địa phương). Ảnh Tuấn Phi

 

    Đồng chí Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Ngã Năm cho biết: “Để Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu hơn nữa trong thời gian tới, ngành chức năng cùng với các xã, phường, thị xã Ngã Năm sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng từ thị xã đến xã, phường về đổi mới cơ cấu trong nông nghiệp, chú trọng sản xuất gắn với thị trường. Đổi mới tổ chức sản xuất gắn với khoa học công nghệ, từng bước nâng cao giá trị sản xuất 1 ha nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo sản xuất các loại nông sản chủ lực, hình thành vùng sản xuất chuyên canh. Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ, chủ trương đột phá sản xuất nông nghiệp như: Chương trình OCOP, kêu gọi và thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp”.

    Sau 5 năm nhìn lại, sản xuất nông nghiệp ở thị xã Ngã Năm có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/ha, tăng 40 triệu đồng so với 5 năm trước. Từ những chuyển biến tích cực trong sản xuất, đã đóng góp không nhỏ trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Trong giai đoạn 2020 - 2025, thị xã sẽ phấn đấu 1 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, 4 xã còn lại sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tuấn Phi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 76
  • Hôm nay: 7650
  • Trong tuần: 78,357
  • Tất cả: 11,801,677